FPT Jetking trao 300 suất học bổng ngành thiết kế vi mạch bán dẫn
FPT Jetking sẽ trao 300 suất học bổng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Chương trình nằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng tăng cao của thị trường ngành bán dẫn. Trong đó, “Học bổng Tài năng 1” trị giá 6 triệu đồng mỗi suất, trừ vào học phí học kỳ 1 khi thí sinh hoàn thành bài thi trắc nghiệm của FPT Jetking với điểm từ 45. Ở “Học bổng Tài năng 2”, mỗi ứng viên có thể nhận 10 triệu đồng, trừ học phí học kỳ 1 và kỳ 2 với điều kiện đạt 60 điểm trở lên trong bài thi này.
Gói “Học bổng Tài năng 3” hỗ trợ 17,81 triệu đồng mỗi suất, dành cho sinh viên muốn được miễn giảm học kỳ 1 của chương trình. Thí sinh cần đạt kết quả thi trắc nghiệm online theo đề của Jetking Ấn Độ trên 60%.
Chương trình học bổng diễn ra từ ngày 15/4, không áp dụng cho sinh viên đang theo học tại FPT Jetking chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn quốc tế.
Khóa học Thiết kế vi mạch bán dẫn tại FPT Jetking gói gọn trong hai năm, thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường. Chương trình gồm 70% thời lượng là thực hành. Do đó, sinh viên trái ngành có thể theo học từ căn bản đến nâng cao.
Cụ thể, học kỳ đầu tiên cung cấp kiến thức về Mạch điện tử và lập trình vi điều khiển. Tiếp theo, đơn vị đào tạo về Kiến trúc và quy trình thiết kế vi mạch. Ở kỳ thứ ba, sinh viên học về Mô tả phần cứng HDL và công cụ Thiết kế vi mạch EDA. Kỳ cuối cùng xoay quanh nội dung Thiết kế vi mạch – SoC/ASIC/FPGA.
Ngoài ra, sinh viên có cơ hội tham gia các giờ học trực tiếp cùng doanh nghiệp và chuyên gia tại FPT Jetking, từ đó, nâng cao kiến thức và kỹ năng sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, nhà trường hỗ trợ giới thiệu việc làm cho sinh viên tại các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo “Giải cơn khát nhân lực ngành bán dẫn”, ông Madan Mohan Sethi – Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM chia sẻ, con người tương tác với chip mỗi ngày ở màn hình điện thoại di động, máy tính xách tay… Đồng thời, vai trò của chip bán dẫn trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dịch vụ của chính phủ ngày càng quan trọng. Theo ông, Việt Nam đang có một số bước phát triển trong ngành bán dẫn từ Intel và các công ty khác.
“Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Việt Nam đều là một phần của liên minh chuỗi cung ứng. Tại đây, họ có đầy đủ các yếu tố quan trọng cho kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng trong tương lai”, ông nói thêm.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch hội đồng Trường FPT cũng nhận định, triển vọng của ngành bán dẫn khá rõ ràng. Đầu ra của FPT Jetking sau một, hai năm tới không chỉ đơn thuần là làm việc ở Việt Nam. Các em có thể làm cho những nước đang phát triển mạnh về ngành vi mạch bán dẫn nhưng đang thiếu hụt nguồn nhân lực như các nhà máy tại Hàn Quốc hay khu vực Bắc Mỹ.
Theo các chuyên gia, những công ty lớn như Intel, AMD, Qualcomm và Nvidia đều đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
“Với mục tiêu giải ‘cơn khát’ nhân lực ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, học bổng tài năng của chúng tôi không chỉ hỗ trợ học phí, mà còn mang đến cơ hội rèn luyện và phát triển kỹ năng để trở thành những chuyên gia hàng đầu trong tương lai”, đại diện FPT Jetking chia sẻ.
Nhật Lệ – VnExpress